Vật liệu nano đã và đang đạt được tầm quan trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, y dược…vì kích thước và những tính chất hoá-lý độc đáo của nó. Ngoài ra, vật liệu nano còn đang được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm để giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo quản và đóng gói. Những ứng dụng tiềm năng của vật liệu nano trong ngành thực phẩm có thể được mở rộng và phát triển để cải thiện thời gian bảo quản, chất lượng và an toàn thực phẩm, cảm biến sinh học để phát hiện những thực phẩm nhiễm bẩn hay hư hỏng, và bao bì thực phẩm. Mộ số ứng dụng cụ thể của vật liệu nano trong công nghiệp thực phẩm đã và đang được quan tâm bao gồm: (i) cải thiện tính chất cảm quan thực phẩm (mùi/vị/cấu trúc); (ii) cải thiện sự hấp thu và phân phối có mục tiêu của các hoạt chất sinh học; (iii) tăng độ bền của các hoạt chất sinh học trong cấu trúc thực phẩm; (iv) cải tiến/phát minh những sản phẩm và công nghệ bao bì để tăng thời gian bảo quản; (v) cảm biến để đánh giá độ an toàn thực phẩm; (vi) tăng khả năng kháng khuẩn.
Hiện nay, vật liệu nano đang được tích hợp trong các sản phẩm thương mại trên thị trường với tốc độ nhanh hơn so với những hiểu biết và quy định để giảm thiểu những tác động liên quan đến sức khoẻ con người và môi trường. Những quy trình kiểm tra được chuẩn hoá cần được phát triển để đánh giá ảnh hưởng của vật liệu nano lên tế bào sống và rủi ro phơi nhiễm vật liệu nano. Trong tương lai, khoa học và công nghệ nano trong thực phầm có thể được phát triển thành một lĩnh vực nghiên cứu mới, có thể được biết đến như “công nghệ nano thực phẩm”.
Hình. Một số ứng dụng chính của công nghệ nano trong những mảng khác nhau của thực phẩm và nông nghiệp.