VẤN ĐỀ KHÁNG KHÁNG SINH TRONG MÔI TRƯỜNG

TS. Lê Thái Hoàng

Giảng viên

Bô môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Email: lthoang@ntt.edu.vn

Thế giới đang trải qua 1 đại dịch gây ra bởi vi rút corona mà có thể cần nhiều thời gian hơn để ước lượng chính xác những thiệt hại to lớn về người và của. Tuy nhiên, theo tổ chức Y tế thế giới, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với 1 đại dịch khác lớn hơn đe dọa sức khỏe cộng đồng ngay trong thế kỉ này. Và thực sự nó đã và đang diễn ra rồi, đó là vấn đề kháng kháng Sinh.

Kháng sinh là những loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng ở người, động vật, và thực vật. Cho đến nay, đậy vẫn đang là một trong những công cụ mạnh mẽ để chống lại mối nguy hiểm đến tính mạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, không may là hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại mà rất nhiều người trên thế giới đang chết bởi các bệnh nhiễm trùng không thể điều trị được vì sự xuất hiện và lan rộng của các chủng vi sinh vật kháng kháng sinh.

Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC US), báo cáo vào năm 2013 cho thấy có hơn 2 triệu người Mỹ nhiễm phải các vi khuẩn kháng kháng sinh, và hơn 23,000 người chết [1]. Con số này đã tăng gần gấp đôi chỉ sau 6 năm. Năm 2019, báo cáo thống kê tại nước Mỹ cho thấy số người nhiễm và chết bởi vi khuẩn kháng kháng sinh lần lượt là 2.8 triệu người, và 35,000 người mỗi năm [2]. Trên phạm vi toàn cầu, thống kê vào năm 2018 cho thấy hàng ngày có trung bình khoảng 2000 người tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đến năm 2050 con số này được ước tính có thể tăng lên 10 triệu người chết mỗi năm, nghĩa là tỷ lệ cứ 3 giây có 1 người chết. Khi đó, kháng kháng sinh sẽ vượt qua ung thư, trở thành nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu [3].

“Chúng ta đang đối mặt với một tương lai khi mà triệu chứng ho hay một vết cắt cũng lại có thể gây tử vong” Bác sỹ Lokky Wai, Đại điện của WHO tại Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân chính gây nên kháng kháng sinh trong môi trường là do sự ô nhiễm các chất có hoạt tính kháng khuẩn bắt nguồn từ chất thải sinh ra từ các hoạt động của con người như: sinh hoạt, bệnh viện, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, và công nghiệp [4–6]. Kháng sinh sau khi đưa vào cơ thể con người và động vật chỉ được hấp thu 1 phần nhỏ, còn lại phần lớn thuốc sẽ đi ra ngoài theo phân và nước tiểu. Trong nông nghiệp, chất thải của gia súc, vật nuôi thường được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, dẫn đến ô nhiễm chất kháng khuẩn và các vi sinh vật kháng kháng sinh ra môi trường. Ngoài ra, sự hiện diện ở nồng độ cao các chất kháng khuẩn sẽ là 1 áp lực chọn lọc cho sự phát triển vi sinh vật kháng kháng sinh và sự lan truyền kháng kháng sinh trong môi trường thông qua quá trình chuyển gen ngang giữa các loài vi sinh vật, trong đó có nhóm vi sinh vật gây bệnh cho người và động vật. Điều này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm các chủng kháng thuốc cho cộng đồng, và đe dọa sức khỏe của hệ sinh thái và con người.

Hình 1. Chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, và sinh hoạt tại các khu đô thị là các nguyên nhân chính dẫn đến sự ô nhiễm chất kháng khuẩn và các nhân tố kháng kháng sinh trong môi trường [7].

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, nhằm ứng phó và giảm thiểu hiện trạng ô nhiễm kháng kháng sinh, cần có sự phối hợp đa ngành tập trung vào 1 số giải pháp chính như sau [8]:

-Nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề kháng kháng sinh

-Tăng cường năng lực giám sát, theo dõi, và nghiên cứu về hiện trạng kháng kháng sinh

-Chú ý vệ sinh ngăn ngữa lây nhiễm trong các cơ sở y tế

-Sử dụng hiệu quả, và đúng cách các loại thuốc kháng khuẩn cho người và động vật.

Tài liệu tham khảo:

  1. European Centre for Disease Prevention and Control Antimicrobial Consumption in the EU/EEA, Annual Epidemiological Report for 2018; Stockholm, 2019;
  2. Solomon, S.L.; Oliver, K.B. Antibiotic Resistance Threats in the United States: Stepping Back from the Brink. Am. Fam. Physician 2014, 89, 938–941.
  3. Pires, D.; de Kraker, M.E.A.; Tartari, E.; Abbas, M.; Pittet, D. ‘Fight Antibiotic Resistance—It’s in Your Hands’: Call From the World Health Organization for 5th May 2017. Clin. Infect. Dis. 2017, 64, 1780–1783, doi:10.1093/cid/cix226.
  4. Erik, G.; M., A.L.; Christoffer, K.; Linus, S.; I., A.D.; Fernando, B. Selection of a Multidrug Resistance Plasmid by Sublethal Levels of Antibiotics and Heavy Metals. MBio 2022, 5, e01918-14, doi:10.1128/mBio.01918-14.
  5. Chung, S.S.; Zheng, J.S.; Burket, S.R.; Brooks, B.W. Select Antibiotics in Leachate from Closed and Active Landfills Exceed Thresholds for Antibiotic Resistance Development. Environ. Int. 2018, 115, 89–96, doi:https://doi.org/10.1016/j.envint.2018.03.014.
  6. Holmes, A.H.; Moore, L.S.P.; Sundsfjord, A.; Steinbakk, M.; Regmi, S.; Karkey, A.; Guerin, P.J.; Piddock, L.J. V Understanding the Mechanisms and Drivers of Antimicrobial Resistance. Lancet (London, England) 2016, 387, 176–187, doi:10.1016/S0140-6736(15)00473-0.
  7. Truong, T.; Hoang, T.L.; Tran, L.T.; Pham, T.P.; Le, T.-H. Prevalence of Antibiotic Resistance Genes in the Saigon River Impacted by Anthropogenic Activities. Water 2021, 13.
  8. World Health Organization (WHO) Global Action Plan on Antimicrobial Resistance; 2015;

Call Now