Đất phèn nhiễm mặn có hàm lượng lưu huỳnh tổng số rất cao (0,18 – 2,83%) dẫn đến độ chua rất thấp, SO42- hòa tan, Al3+ và Fe3+ khá cao, đặc biệt trong tầng đất có chứa vật liệu sinh phèn hay tầng phèn [1, 2]. Trong thực tế sự oxy hóa và khử luân phiên theo mùa càng thúc đẩy quá trình hóa chua. Nếu đất phèn nhiễm mặn tiềm tàng bị khai thác và xới xáo, một sự chuyển hóa và phát sinh lượng Fe3+ lớn sẽ hình thành, đất phèn nhiễm mặn tiềm tàng nhanh chóng chuyển hóa thành đất phèn nhiễm mặn hoạt động, điều đó dễ thấy ở những nơi đào kênh mương thoát nước, lên líp trồng trọt [1]. Độ mặn trong đất phèn nhiễm mặn tiềm tàng dưới rừng ngập mặn khá cao, ngay cả ở những phẫu diện đất phèn nhiễm mặn hoạt động, không còn chịu ảnh hưởng của thủy triều, hàm lượng Cl– vẫn giữ ở trị số cao (0,2 – 0,28%) ở tầng đất mặt [2]. Về các chỉ tiêu độ phì của đất phèn nhiễm mặn thường không cân đối, hàm lượng chất hữu cơ rất cao so với các loại đất khác, nhất đất phèn nhiễm mặn tiềm tàng (9 – 10% OM) tầng mặt [3]. Hàm lượng đạm tổng số ở các tầng mặt vào loại giàu (0,15 – 0,25%) [3]. Hàm lượng lân tổng số ngược lại chỉ có giá trị từ nghèo đến rất nghèo (0,049%) [3]. Tình trạng trên dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng lân dễ tiêu trong đất. Tầng sinh phèn và tầng phèn rất nông chỉ cách mặt đất vài chục cm, nhiều nơi phát hiện ngay ở tầng mặt, hàm lượng lưu huỳnh (vật liệu sinh phèn) và độc tố Fe3+, Fe2+, Al3+ rất cao [4]. Đây là một hạn chế lớn đòi hỏi khi khai thác phải có một quy trình kỹ thuật chặt chẽ, mà điều trước hết là tránh xới xáo, tránh sự thoát thủy ở tầng chứa vật liệu sinh phèn. Đặc biệt cần lưu ý đối với khai thác nguồn tài nguyên hệ thực vật đa dạng như: hệ thực vật rừng tự nhiên (Chà là, Ráng, Giá, Mắm, Dà vôi, …) tất cả đều sống trên vùng đất ít ngập nước và hệ thực vật rừng trồng (Chà là và Ráng, Dừa lá) trồng ở vùng đất phèn mặn và nước lợ [5, 6]. Ngoài ra, hàm lượng muối cao trong đất phèn nhiễm mặn càng làm cho đất trong vùng trở nên phức tạp và diễn biến rất nhanh chóng theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất, cũng như môi trường khi điều kiện tự nhiên thay đổi [2]. Các vấn đề trên cho thấy các yếu tố hóa học trong đất phèn nhiễm mặn là mối nguy tiềm tàng làm cho hệ thực vật sinh trưởng và phát triển kém dần dần dẫn đến sự mất đa dạng của hệ thực vật.
ThS. Nguyễn Tân Xuân Tùng
Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: ntxtung@ntt.edu.vn
Tài Liệu Tham Khảo
[1] J. T. Jennings, Natural history of the Riverland and Murraylands. Royal Society of South Australia Adelaide, 2009. [2] E. Stavridou, A. Hastings, R. J. Webster, and P. R. Robson, “The impact of soil salinity on the yield, composition and physiology of the bioenergy grass Miscanthus× giganteus,” Gcb Bioenergy, vol. 9, no. 1, pp. 92-104, 2017. [3] N. N. L. Phuong, “Danh gia dac diem tai nguyen dat Huyen Can Gio, Thanh pho Ho Chi Minh,” Truong Dai hoc Cong nghiep Thanh pho Ho Chi Minh, 2020. [4] R. Singh, M. S. Mavi, and O. P. Choudhary, “Saline Soils Can Be Ameliorated by Adding Biochar Generated From Rice‐Residue Waste,” CLEAN–Soil, Air, Water, vol. 47, no. 2, p. 1700656, 2019. [5] V. N. Nam, L. Sinh, T. Miyagi, S. Baba, and H. Chan, “An overview of Can Gio district and mangrove biosphere reserve,” Studies in Can Gio Mangrove Biosphere Reserve, Ho Chi Minh City, Vietnam Mangrove Ecosystems Technical Reports, vol. 6, pp. 1-7, 2014. [6] P. T. V. Vo Quang Minh, “Su dung co hieu qua dat phen, man o dong bang song Cuu Long,” Dat Viet Nam, Hien trang su dung va thach thuc, pp. 167 – 174, 2015.