NTTU – Vừa qua, tại Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2024, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã mang về nhiều thành tích cao ở đa dạng lĩnh vực.
Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2024 thu hút sự tham gia của sinh viên đến từ 95 trường đại học trên khắp cả nước với 536 đề tài chia theo 6 lĩnh vực: Khoa học Tự nhiên; Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; Khoa học Y, Dược; Khoa học Nông nghiệp; Khoa học Xã hội, và Khoa học Nhân văn.
Năm nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 11 đề tài tham gia giải thưởng, trong đó có 01 đề tài đạt giải Nhì, 03 đề tài đạt giải Ba và 02 đề tài đạt giải Khuyến khích.
Cụ thể, đề tài Khảo sát nhu cầu tư vấn giáo dục sức khỏe và các yếu tố ảnh hưởng tuân thủ điều trị của bên đái tháo đường típ 2 ngoại trú tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định của nhóm sinh viên Phạm Thị Phương Trang, Nguyễn Thị Minh Châu, Võ Tường Vi, Phạm Anh Thi, Huỳnh Minh Đăng với sự hướng dẫn của TS. Phạm Hồng Thắm, ThS. Nguyễn Ngọc Quý xuất sắc đạt Giải Nhì – Lĩnh vực Khoa học y dược.
Nhóm sinh viên Phạm Thị Phương Trang, Nguyễn Thị Minh Châu, Võ Tường Vi, Phạm Anh Thi, Huỳnh Minh Đăng với sự hướng dẫn của TS. Phạm Hồng Thắm, ThS. Nguyễn Ngọc Quý xuất sắc đạt Giải Nhì – Lĩnh vực Khoa học y dược
03 đề tài đạt giải Ba gồm: Phân tích bộ gene của Levilactobacillus brevis phân lập từ kombucha, đánh giá hoạt tính probiotic in silico/in vitro và ứng dụng làm chế phẩm khởi động lên men sữa chua đậu nành dạng vi bao của nhóm sinh viên Nguyễn Vĩnh Lâm, Nguyễn Minh Anh, Trương Thị Hồng Thắm, Ngô Thị Ngọc Hân do TS. Đỗ Anh Duy và ThS. Nguyễn Quốc Duy hướng dẫn; Chế tạo màng Chitosan kết hợp dịch chiết và ứng dụng trong bảo quán mít thái Tiền Giang của nhóm sinh viên Lê Thị Hoàng Anh, Nguyễn Thị Diểm Hoa, Bùi Thanh Kiệt, Nguyễn Đình Phong, Lê Nhật Minh với sự hướng dẫn của ThS. Trần Bùi Phúc, PGS.TS. Lê Thái Hoàng; Nghiên cứu ứng dụng dịch chiết lá bàng trong kiểm soát môi trường nước và vi sinh vật gây bệnh để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững của nhóm sinh viên Đoàn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Cẩm Tú do TS. Võ Thị Ngọc Mỹ và ThS. Trần Thành là giảng viên hướng dẫn.
Ngoài ra, 02 đề tài đạt giải Khuyến khích gồm: Chế tạo mô hình ứng dụng công nghệ xử lý ảnh trong dây chuyền sản xuất gọt vỏ chanh dây tự động của nhóm sinh viên Phan Vĩ Khang, Trần Minh Tú do ThS. Phạm Đức Lâm hướng dẫn; Quan điểm của giới trẻ và thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong tiêu dùng thực phẩm thời thượng: trường hợp điển hình cho trà sữa của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thanh Tú, Nguyễn Nhựt Thanh, Văn Hữu Đạt, Đoàn Thị Thu Hằng với sự hướng dẫn của ThS. Trần Thành và ThS. Trần Hoàng Cẩm Tú.
Các đề tài tham gia được thực hiện nghiên cứu ngay trong phòng Lap, phòng thực hành của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hàng năm nhằm biểu dương thành tích xuất sắc và khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học. Thông qua giải thưởng này, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học được đẩy mạnh, đồng thời cũng là định hướng, gợi mở cho sinh viên những hướng đề tài mới, phát huy tính năng động, sáng tạo của sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học.
Sản phẩm của đề tài được công bố bằng nhiều hình thức: Sách chuyên khảo, sách tham khảo được cấp giấy phép xuất bản; bài báo đăng trên các tạp chí khoa học; báo cáo trình bày hoặc đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; báo cáo hoặc trưng bày, trình diễn sản phẩm tại hội nghị, hội thảo, seminar từ cấp khoa trở lên… Trong đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có ý tưởng hay đã được các nhà đầu tư hỗ trợ và tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp Start-up; nhiều đề tài đã có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế.
Đề tài Khảo sát nhu cầu tư vấn giáo dục sức khỏe và các yếu tố ảnh hưởng tuân thủ điều trị của bên đái tháo đường típ 2 ngoại trú tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định của nhóm sinh viên Phạm Thị Phương Trang, Nguyễn Thị Minh Châu, Võ Tường Vi, Phạm Anh Thi, Huỳnh Minh Đăng với sự hướng dẫn của TS. Phạm Hồng Thắm, ThS. Nguyễn Ngọc Quý xuất sắc đạt Giải Nhì – Lĩnh vực Khoa học y dược.
Tư vấn giáo dục sức khỏe là một trong những điểm mới nổi bật đối với dược lâm sàng nói chung và người bệnh đái tháo đường nói riêng. Hiện nay, tư vấn giáo dục sức khỏe là hoạt động chưa được chú trọng và triển khai rộng rãi đối với một số bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, nghiên cứu thực hiện với mục đích đánh giá tỷ lệ chuyên đề giáo dục sức khỏe theo nhu cầu tư vấn và khảo sát các yếu tố ảnh hưởng tuân thủ trên 4 chế độ điều trị.
Đề tài thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 460 người bệnh đái tháo đường típ 2 tại Phòng khám Nội tiết – Thận từ 01/2023 – 09/2023. Đánh giá tỷ lệ nhu cầu tư vấn giáo dục sức khỏe gồm 3 nhóm chính: Nhóm 1 – Kiến thức về bệnh, Nhóm 2 – Dinh dưỡng và lối sống, Nhóm 3 – Thông tin về thuốc. Đánh giá tuân thủ sử dụng thuốc bằng MMAS – 8 và đánh giá tuân thủ điều trị bằng bộ câu hỏi của tác giả Đỗ Quang Tuyển.
Kết quả nghiên cứu cho thấy người bệnh đái tháo đường típ 2 có nhu cầu tư vấn về dinh dưỡng và lối sống, liên quan đến sự tuân thủ điều trị và mức độ kiểm soát đường huyết. Người bệnh có độ tuổi trung bình 58,64 11,40; nữ giới chiếm 54,2%. Tỷ lệ bệnh nhân có nhu cầu tư vấn ở nhóm 2 chiếm 49,3% cao hơn so với nhóm 1 và 3 lần lượt là 33% và 17,6%. Người bệnh mắc bệnh hơn 5 năm (p = 0,025) và nhiều bệnh kèm (p = 0,014) có nhu cầu tư vấn thông tin về bệnh. Người bệnh béo phì độ 1 (82,8%) có nhu cầu tư vấn về dinh dưỡng và lối sống (p < 0,001). Các yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị như độ tuổi, chỉ số BMI, học vấn, tiền sử gia đình, tư vấn từ nhân viên y tế, chỉ số đường huyết và HbA1c, đều có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
Kết quả nghiên cứu hỗ trợ dược sĩ lâm sàng phát triển các chương trình giáo dục và tư vấn sức khỏe hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu của người bệnh đái tháo đường típ 2. Đồng thời, quá trình nghiên cứu giúp người bệnh nâng cao kiến thức và thực hành đúng trong tuân thủ điều trị, cập nhật các thông tin trong quá trình điều trị và giải đáp các thắc mắc cho người bệnh.
Đề tài Phân tích bộ gene của Levilactobacillus brevis phân lập từ kombucha, đánh giá hoạt tính probiotic in silico/in vitro và ứng dụng làm chế phẩm khởi động lên men sữa chua đậu nành dạng vi bao của nhóm sinh viên Nguyễn Vĩnh Lâm, Nguyễn Minh Anh, Trương Thị Hồng Thắm, Ngô Thị Ngọc Hân do TS. Đỗ Anh Duy và ThS. Nguyễn Quốc Duy hướng dẫn – Giải Nhì Lĩnh vực Khoa học tự nhiên.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã giải trình tự bộ gen của Levilactobacillus brevis QD-1, để đánh giá tiềm năng probiotic và tính an toàn của nó đối với các ứng dụng thực phẩm, và nghiên cứu tính phù hợp của L. brevis QD-1 để lên men sữa chua đậu nành. Phân tích tin sinh học kết hợp với các nghiên cứu in vitro xác nhận, chủng L. brevis QD-1 không đề kháng các loại kháng sinh phổ biến, không chứa gen mã hóa protein độc tố, đáp ứng yêu cầu an toàn của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA). Phân tích tin sinh học đã phát hiện ra các gen liên quan đến tổng hợp exopolysaccharide (EPS), rất quan trọng đối với quá trình đông tụ sữa, cũng như các gene tham gia quá trình sinh tổng hợp axit béo và axit amin.
Tại Việt Nam, việc sản xuất sữa chua theo phương pháp thủ công ở có thể dẫn đến tạp nhiễm các vi sinh vật không mong muốn, dẫn đến hư hỏng, và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, sử dụng chủng khởi động dạng vi bao là một giải pháp khả thi. Các yếu tố kỹ thuật phù hợp của L. brevis QD-1 để sản xuất chủng vi sinh vật dạng vi bao bằng kỹ thuật sấy phun và đông khô cũng được đánh giá bằng phân tích sự hiện diện của các gen mã hóa protein chịu sốc nhiệt, sốc lạnh và chống chịu áp suất thẩm thấu. Chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm sấy phun và đông khô chủng L. brevis QD-1 trên chất mang maltodextrin và gum Arabic maltodextrin để tạo chủng khởi động lên men dạng vi bao và tiến hành thử nghiệm lên men sữa chua đậu nành. Cách tiếp cận này mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát được vi sinh vật đầu vào, giảm nguy cơ tạp nhiễm và giảm gánh nặng về chi phí đầu tư đối với các cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ.
Tác giả: Hồng Quang, Ảnh: Phòng KHCN