Chăn nuôi là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhằm cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, sữa và trứng cho con người cũng như nguyên liệu quan trong cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp liên hiệp quốc (FAO), ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ thịt đạt 342 triệu tấn vào năm 2018, tăng 47% so với cùng kì năm 2000, trong đó sản phẩm từ heo, gà, và trâu bò chiếm hơn 90% tổng sản lượng các sản phẩm thịt chế biến [1]. Tại Việt nam, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào năm 2018, ngành chăn nuôi là một trong những ngành sản xuất chính với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 5-6%/ năm, với sản lượng các sản phẩm từ thịt đạt hơn 5.3 triệu tấn, giá trị khoảng 23 nghìn tỷ đồng [2]. Kế hoạch đến năm 2030, tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt trên 40%, nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng trong nước và xuất khẩu.
Hình: Ngành chăn nuôi heo có tốc độ tăng trưởng cao và sử dụng lượng kháng sinh lớn nhằm phòng tránh bệnh nhiễm trùng và thúc đẩy tăng trưởng.
Hiện nay, trong ngành chăn nuôi công nghiệp, nhiều loại kháng sinh đang được sử dụng rộng rãi không chỉ nhằm chữa trị các bệnh truyền nhiễm, mà còn được bổ sung vào trong thức ăn hàng ngày nhằm ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng, cũng như thúc đẩy tăng trưởng ở vật nuôi. Hơn 63 nghìn tấn kháng sinh đã được sử dụng cho ngành công nghiệp chăn nuôi trên thế giới chỉ trong năm 2010, và được dự đoán sẽ tăng hơn 67% vào năm 2030 [3]. Tại Việt nam, các loại kháng sinh được sử dụng bừa bãi trong chăn nuôi nhằm phòng ngừa bệnh ở vật nuôi. Hơn 43.7% những loại thức ăn thương mại cho chăn nuôi trên thị trường đều chứa ít nhất 1 loại kháng sinh, trong khi hơn 21.5% và 5.4% loại thức ăn công nghiệp cho heo và gà chứa hơn 2 loại kháng sinh [4]. Cụ thể, các loại kháng sinh như bacitracin, chlortetracycline, colistin, và enramycin được bổ sung vào thức ăn với tỷ lệ tương ứng cho 1 kg trong lượng gà là 30.8, 26.0, 14.8, và 3.9 mg. Trong khi đó, các loại kháng sinh như forfenicol, chlortetracycline, colistin, và bacitracin đươc sử dụng nhiều trong thức ăn cho heo với tỉ lệ trong 1 kg trong lượng heo tương ứng là 66.9, 59.7, 57.5, và 41.2 mg [5].
Đáng chú ý là hơn 60% lượng thuốc kháng sinh sau khi đưa vào cơ thể con người và động vật sẽ không được hấp thụ mà thải ra ngoài theo đường phân và nước tiểu [6]. Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ dẫn đến sự ô nhiễm kháng sinh và tạo điều kiện cho sự phát triển và lan truyền vi sinh vật kháng kháng sinh và gen kháng kháng sinh trong môi trường [7,8]. Hiện nay, sự ô nhiễm các nhân tố kháng kháng sinh trong môi trường được đánh giá là một dạng chất ô nhiễm mới đe dọa sức khỏe của hệ sinh thái, chất lượng nông sản, và sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, hàng năm thế giới có hơn 700 ngìn người chết do các vi khuẩn kháng kháng sinh. Nếu giữ nguyên tốc độ gia tăng kháng kháng sinh như hiện tại, thì đến năm 2050, số người chết do kháng kháng sinh lên đến 10 triệu người, với chi phí y tế hơn 100 nghìn tỉ đô la Mỹ [9].
Nhằm giảm thiểu hiện trạng kháng kháng sinh, chúng ta cần kiểm soát việc sử dụng bừa bãi kháng sinh trong chăn nuôi. Một số hành động chính có thể thực hiện ngay như sau:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến chủng loại và liều lượng kháng sinh đang được sử dụng trong chăn nuôi
- Hỗ trợ thông tin và hướng dẫn nông dân cách sử dụng kháng sinh phù hợp trong chăn nuôi
- Phát triển vaccine hoặc các giải pháp thay thế cho việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Lê Thái Hoàng
Bô môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Email: lthoang@ntt.edu.vn
Tài liệu tham khảo:
- FAO World Food and Agriculture – Statistical Yearbook 2021; Rome, 2021;
- BNNPTNT Tổng Kết Thực Hiện Kế Hoạch Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn 2018; 2019;
- P., V.B.T.; Charles, B.; Marius, G.; T., G.B.; A., L.S.; P., R.T.; Aude, T.; Ramanan, L. Global Trends in Antimicrobial Use in Food Animals. Proc. Natl. Acad. Sci. 2015, 112, 5649–5654, doi:10.1073/pnas.1503141112.
- Di, K.N.; Pham, D.T.; Tee, T.S.; Binh, Q.A.; Nguyen, T.C. Antibiotic Usage and Resistance in Animal Production in Vietnam: A Review of Existing Literature. Trop. Anim. Health Prod. 2021, 53, 340, doi:10.1007/s11250-021-02780-6.
- Van Cuong, N.; Nhung, N.T.; Nghia, N.H.; Mai Hoa, N.T.; Trung, N.V.; Thwaites, G.; Carrique-Mas, J. Antimicrobial Consumption in Medicated Feeds in Vietnamese Pig and Poultry Production. Ecohealth 2016, 13, 490–498, doi:10.1007/s10393-016-1130-z.
- Serrano, M.J.; García-Gonzalo, D.; Abilleira, E.; Elorduy, J.; Mitjana, O.; Falceto, M. V; Laborda, A.; Bonastre, C.; Mata, L.; Condón, S.; et al. Antibacterial Residue Excretion via Urine as an Indicator for Therapeutical Treatment Choice and Farm Waste Treatment. Antibiot. 2021, 10.
- Truong, T.; Bui, H.D.; Pham, T.T. V; Tran, L.T.; Nguyen, D.H.; Ng, C.; Le, T.-H. Occurrences of Antibiotic Resistant Bacteria in a Tropical River Impacted by Anthropogenic Activities in Ho Chi Minh City. Int. J. Environ. Sci. Technol. 2021, doi:10.1007/s13762-021-03636-0.
- Truong, T.; Hoang, T.L.; Tran, L.T.; Pham, T.P.; Le, T.-H. Prevalence of Antibiotic Resistance Genes in the Saigon River Impacted by Anthropogenic Activities. Water 2021, 13.
- Neil, J.O. Antimicrobial Resistance: Tackling a Crisis for the Health and Wealth of Nations/the Review on Antimicrobial Resistance. 2014.