Trong nghiên cứu này, 40 mẫu trà khô thành phẩm gồm nhiều loại như trà xanh, trà oolong, trà đen và trà Phổ Nhĩ được thu thập từ một số vùng trà đặc trưng của Việt Nam tại Suối Giàng (Tỉnh Yên Bái, miền Bắc), vùng trà Lâm Hà và Đà Lạt (Tỉnh Lâm Đồng, miền Nam). Hàm lượng flavonoid tổng (TFCs) và hoạt tính kháng oxy hoá tính theo đương lượng của trolox (TEACs) được xác định và đánh giá cho các sản phẩm trà này. Khi xác định khả năng kháng oxy hoá, nhiều cơ chế phản ứng khác nhau được sử dụng như cơ chế bắt gốc tự do DPPH/ABTS, khả năng khử sắt (FRAP) và khử đồng (CUPRAC). Kết quả cho thấy sự khác biệt về hàm lượng flavonoid tổng và khả năng kháng oxy hoá theo nguồn gốc, giống trà và quy trình chế biến, đặc biệt là mức độ oxy hoá của trà. Trong đó, nhìn chung những sản phẩm trà xanh thường biểu hiện giá trị TFCs và TEACs cao nhất. Đối với các mẫu trà oolong được lấy tại Tỉnh Lâm Đồng trong nghiên cứu này, trà oolong ở vùng Lâm Hà thể hiện giá trị DPPH cao hơn hẳn so với những mẫu trà có cùng mức độ oxy hoá ở vùng Đà Lạt. Bên cạnh đó, kết quả từ chỉ tiêu TFCs và TEACs được sử dụng làm biến đầu vào nhằm xây dựng các mô hình phân loại dựa trên phương thức chế biến bằng phép phân tích thành phần chính (PCA).
Tác giả: ThS. Nguyễn Công Hậu (Chủ nhiệm)
TS. Trần Thị Như Trang
TS. Đỗ Minh Huy
CN. Lê Thị Anh Đào