Tái chế là lĩnh vực cần ưu tiên trong hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trong nền kinh tế tuyến tính hiện nay. Tuy nhiên mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) mới là một giải pháp toàn diện để nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH, đặc biệt là tại địa bàn TP.HCM nơi mà phát sinh hơn 9.000 tấn rác thải/ngày. Trong mô hình KTTH chất thải được xem là nguồn tài nguyên nhưng chưa được khai thác và sử dụng đúng lúc, đúng nơi. Mô hình KTTH không những đẩy mạnh các hoạt động tái chế ngay từ khi hình thành sản phẩm thông qua các quy định về thiết kế sản phẩm hơn là tập trung và giai đoạn tái chế rác thải ở cuối đường ống, mà còn kết hợp các chu kỳ kỹ thuật như bảo trì, tái sử dụng, tân trang trong nền KTTH góp phần giảm thiểu lượng rác thải phát sinh. Hiện nay để triển khai các chính sách thúc đẩy KTTH trong quản lý CTRSH còn nhiều khó khăn do hạn chế về các văn bản hướng dẫn thực hiện và cơ chế chính sách hỗ trợ. Vì vậy, một số mô hình KTTH tiềm năng như mô hình chuyển đổi rác thải thành các vật liệu giá trị tăng thêm từ lục bình chuyển thành nhiên liệu hydro, mô hình phân huỷ kỵ khí tạo ra nhiên liệu sinh học, khí biogas, mô hình tái chế nhựa giá trị thấp thành vật dụng như bàn học, thùng rác đã được đề xuất để triển khai các mô hình KTTH trong tương lai. Đồng thời các nhóm giải pháp cũng cần được đề xuất và triển khai như nhóm giải pháp về kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhóm giải pháp tài chính, nhóm giải pháp xây dựng các chương trình truyền thông và nâng cao nhận thức về hoạt động thu gom và phân loại rác tại nguồn có ứng dụng khoa học công nghệ.
Mô hình kinh tế tuần hoàn (Nguồn: Ellen MacArthur Foundation, 2013)
Nguồn: trích từ nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Kiều Lan Phương và cộng sự, 2022, đăng tại kỷ yếu hội thảo Chính sách phát triển hoạt động tái chế chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố – 03/2022
Tác giả: Nguyễn Kiều Lan Phương