Trong hai ngày 26-27/2/2024, đại diện phía trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tham gia khóa đào tạo “Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa” tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TPHCM (Saigon Innovation Hub). Đây là chương trình được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy, Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) trực thuộc Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức thực hiện. Đại diện phía trường Đại học Nguyễn Tất Thành có sự tham gia của bà Huỳnh Hồng Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp và TS. Nguyễn Kiều Lan Phương, Giảng viên-Nghiên cứu viên Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững.
Trong hai ngày khóa đào tạo, các học viên đã lắng nghe các chia sẻ về hiện trạng quản lý rác thải nhựa tại TP.HCM, đặc biệt là một nghiên cứu điển hình rác thải nhựa tại huyện đảo Cần Giờ. Từ kết quả của nhóm nghiên cứu, hiện tại Cần Giờ phát sinh khoảng 8500 tấn rác thải sinh hoạt, tỷ lệ phát sinh là 0,3 kg/người/ngày. Đối với rác thải nhựa có tỷ lệ tăng trưởng 7-8% hằng năm, và chỉ có khoảng 15% rác thải nhựa phát sinh tại đây được thu gom và tái chế. Các công cụ đổi mới sáng tạo như xác định vấn đề theo khung tảng băng chìm và xây dựng giải pháp theo khung EAST cũng đã được chia sẻ và thực hành để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Cần Giờ.
Khóa đào tạo đã kết thúc thành công tốt đẹp và giấy chứng nhận đã được trao đến các học viên, góp phần nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong khu vực công trong tăng cường khả năng kết nối và thúc đẩy văn hóa sáng tạo trong hệ sinh thái, từ đó tìm ra giải pháp tích cực trong giải quyết vấn đề giữa khu vực công và tư trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Hình ảnh kết thúc khóa đào tạo
Nguyễn Kiều Lan Phương