Việc chọn ngành nghề luôn là nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh trung học. Hiện tại có quá nhiều ngành nghề, tuy nhiên để có được một công việc ổn định và phù hợp sau khi tốt nghiệp luôn là mối quan tâm của tất cả mọi người. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, mức lương và tính ổn định của công việc trong tương lai luôn là những câu hỏi được đặt ra. Thế thì những tiêu chí nào có thể dựa vào để chọn ngành nghề trong tương lai, một trong những tiêu chí các em học sinh cần lưu tâm đó là những lĩnh vực nghề nghiệp của một ngành học, tính chất công việc, môi trường làm việc, cũng như tính hữu ích của nghề nghiệp trong cuộc sống và quan trọng hơn hết là năng khiếu của bản thân. Với kinh nghiệm của một người làm trong ngành thực phẩm 13 năm, trong bài viết dưới đây tôi sẽ phân tích những lợi ích cũng như những nhược điểm mà ngành công nghệ thực phẩm có thể có, nhằm cung cấp thêm thông tin cũng như cái nhìn tổng quát về ngành học này.
Ngành công nghệ thực phẩm có nhiều sự lựa chọn công việc sau khi tốt nghiệp
Việc làm mà ngành công nghệ thực phẩm đem lại khá đa dạng, từ những công việc trong phòng thí nghiệm (phân tích các chỉ tiêu chất lượng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới), ở xưởng sản xuất (QC và điều khiển hệ thống thiết bị), trong kho bảo quản (xuất nhập và bảo quản nguyên liệu), ở bếp ăn công nghiệp, siêu thị (QA & QC hàng thực phẩm), và văn phòng kinh doanh (kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia và máy móc thiết bị trong công nghiệp thực phẩm).
Ngành công nghệ thực phẩm có tiềm năng phát triển rất lớn
Thực phẩm là mối quan tâm của tất cả mọi người, khi cuộc sống ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa thì nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến sẵn ngày càng cao. Đi dạo một vòng siêu thị, rất dễ dàng để thấy được thực phẩm chế biến chiếm đại đa số trong các loại thực phẩm. Thực phẩm chế biến sẵn yêu cầu không chỉ tiện dụng mà còn an toàn, bổ dưỡng, đẹp và ngon. Chính nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng lại thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm ngày càng phát triển, từ đó cho thấy cơ hội làm việc trong các nhà máy chế biến thực phẩm luôn rộng mở cho những bạn trẻ có kiến thức trong tương lai.
Ngành công nghệ thực phẩm phù hợp cho cả hai giới nam và nữ
Công nghệ thực phẩm cũng như nhiều ngành học khác, đây là một ngành học không nghiêng về phái nữ hay phái nam. Lĩnh vực thực phẩm có những đầu bếp nam và đầu bếp nữ đều rất thành công. Trong lĩnh vực thực phẩm, đa số phái nữ thường có thiên hướng bẩm sinh, nhưng không ít người thuộc phái nam cũng có sự nhạy bén và khả năng về công nghệ. Do đó trong các nhà máy chế biến thực phẩm, các vị trí R&D, QA, QC đều có cả nam và nữ.
Công nghệ thực phẩm là một ngành học hữu ích
Công nghệ thực phẩm không chỉ là một ngành nghề giúp các bạn trẻ có một công việc ổn định mà đây còn là một ngành cung cấp rất nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Kiến thức công nghệ thực phẩm rất hữu ích khi áp dụng vào việc chọn lựa thực phẩm, hiểu rõ các thành phần, giá trị dinh dưỡng, những nguyên tắc nấu nướng hợp khoa học để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó có thể thấy một kỹ sư công nghệ thực phẩm có vai trò rất lớn trong việc chăm sóc các thành viên trong gia đình.
Môi trường làm việc an toàn
Môi trường làm việc an toàn, ít di chuyển, ít thay đổi là một trong những điểm đặc trưng của ngành công nghệ thực phẩm. Công việc của ngành công nghệ thực phẩm chủ yếu tiếp xúc với thực phẩm, do đó so với nhiều ngành nghề khác thì những công việc ngành công nghệ thực phẩm mang tính an toàn cao hơn. Ngay cả phòng thí nghiệm phân tích hay nghiên cứu sản phẩm mới thì đây là phòng thí nghiệm an toàn hơn so với những phòng thí nghiệm của những ngành nghề khác. Tuy nhiên do công việc sản xuất liên tục, đòi hỏi người quản lý và công nhân làm việc trong hầu hết nhà máy công nghệ thực phẩm phải làm việc theo ca.
Ngành công nghệ thực phẩm rèn luyện tính cẩn thận
Trong bất kỳ ngành nghề nào thì tính cẩn thận luôn luôn là cần thiết. Khi học ngành công nghệ thực phẩm, các em được tiếp xúc với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm và những dụng cụ yêu cầu độ chính xác, trong quy trình công nghệ đòi hỏi phải định lượng chính xác và thao tác đúng thì sản phẩm làm ra mới đạt độ đồng nhất cũng như chất lượng được nâng cao. Từ đó các em được rèn luyện tính cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc nhiều hơn.
Mức lương do bản thân quyết định
So với mặt bằng chung của các ngành học khác như bác sĩ, nha sĩ, kiến trúc sư, IT, ngành công nghệ thực phẩm có mức lương trung bình, đây không phải là một ngành học có mức lương cao. Tuy nhiên mức lương cao hay thấp còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tính chất công việc, năng lực của từng cá nhân, chính sách công ty,… nhưng đây là một ngành các bạn trẻ có thể khởi nghiệp với vốn kiến thức tự có và kế hoạch tài chánh không đòi hỏi quá nhiều, khi đó mức thu nhập sẽ cải thiện đáng kể.
ThS. Nguyễn Hồng Khôi Nguyên – Khoa Kỹ thuật Thực phẩm Môi trường – Đại học Nguyễn Tất Thành