Với lịch sử phát triển trải qua hàng nghìn năm, tinh dầu được mệnh danh là báu vật của thiên nhiên, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều phương pháp trị liệu, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Tinh dầu xuất hiện và phát triển theo nền văn minh của nhân loại. Các nhà nghiên cứu ở phương Tây cho rằng chính phương Đông là khởi nguyên lịch sử của tinh dầu. Từ ngàn xưa, người ta đã biết sử dụng trực tiếp các loại cây cỏ hoa lá có mùi thơm đặc trưng trong những nghi thức tôn giáo. Khoảng 50 năm gần đây, nhu cầu về tinh dầu trên thế giới bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Nhu cầu về nguyên liệu cho gia vị và nước hoa tăng lên một cách tự nhiên theo đà tăng của dân số thế giới, đặc biệt là nguyên liệu tạo mùi cho đồ ăn và thức uống trong những nước phát triển, nơi có sự thay đổi lớn trong chế độ ăn uống.
Về mặt hoá học, tinh dầu được xem là hỗn hợp phức tạp chứa nhiều hợp chất dễ bay hơi, có mùi đặc trưng tuỳ thuộc vào nguồn gốc nguyên liệu. Phần lớn tinh dầu có nguồn gốc từ thực vật trong nhiều cơ quan khác nhau của cây, chẳng hạn như rễ (Vetiveria zizanioides), thân (Cordia trichotoma), lá (Cymbopogon nardus), hoa (Lavandula officinalis), trái cây (Citrus spp.) và cả trong hạt (Piper nigrum L.); chỉ có một số ít tinh dầu có nguồn gốc từ động vật như cầy hương, chồn hôi, long diên hương,…
Bạc hà (Mentha L.) thuộc họ Lamiaceae, phân họ Menthoideae, giống Mentha, cao khoảng 10-150 cm và mang một mùi hương đặc trưng. Bạc hà được trồng từ rất lâu đời tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, loài bạc hà mọc hoang trên một diện tích rất lớn tại những tỉnh miền núi như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Phú (Tam Đảo), … và cũng được trồng tại nhiều nơi khắp miền đất nước, thuộc loài bạc hà châu Á Mentha arvensis L., có nhiều chủng rất thơm, hàm lượng tinh dầu cao. Hoa bạc hà có màu tím, tím nhạt và trắng. Lá bạc hà là nguyên liệu chính dùng để chưng cất tinh dầu. Bạc hà vừa là cây thuốc, vừa là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Bạc hà giúp chữa cảm sốt, sổ mũi, đau họng, khàn tiếng, kích thích tiêu hóa, sát trùng, giảm đau và chữa các bệnh về đường ruột như đi ngoài, kiết lỵ, … Sau một ngày dài bận rộn, cơ thể chúng ta cần được nghỉ ngơi và thư giãn. Ngoài khả năng “làm mới” cơ thể, tinh dầu bạc hà còn có khả năng giúp nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ lưu thông máu, làm tinh thần sảng khoái, giúp trắng và săn chắc da, se khít lỗ chân lông, giảm các vết sẹo thâm, hỗ trợ trị mụn, loại bỏ nếp nhăn và thanh lọc cơ thể. Chất lượng tinh dầu, đặc biệt là hàm lượng menthol-một thành phần chính trong tinh dầu bạc hà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp chưng cất và nguyên liệu sử dụng.
Sinh viên tại Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang thực hiện thí nghiệm chuẩn bị nguyên liệu và chưng cất tinh dầu bạc hà Nhật
Năm 2019, ThS. Trần Bùi Phúc đã thực hiện việc khảo sát sơ bộ quy trình chưng cất tinh dầu bạc hà Nhật (Mentha arvensis L.) được thu hoạch tại Lâm Đồng bằng phương pháp chưng trực tiếp bằng nước (hydro-distillation, HD) và chưng cất bằng nước có hỗ trợ vi sóng (microwave-assisted extraction, MAE). Kết quả nghiên cứu cho thấy tinh dầu bạc hà Nhật được chiết bằng phương pháp chưng cất hơi nước trực tiếp có hỗ trợ vi sóng cho kết quả thành phần menthol khá cao (73.46 %). Trong mỗi loại bạc hà châu Âu hay châu Á lại có những chủng khác nhau hoặc trồng ở nhiều vùng địa lý khác nhau, do đó giữa những tinh dầu bạc hà chưng cất ra từ chính loại bạc hà Âu hay Á sẽ có đôi chút khác nhau. Tiếp nối các kết quả đã đạt được, nghiên cứu sẽ được mở rộng đánh giá chất lượng của tinh dầu bạc hà Nhật từ các vùng nguyên liệu ở nhiều địa phương khác nhau của miền Nam Việt Nam, nhằm tìm ra nguồn nguyên liệu có chất lượng cao, giá thành phù hợp và có khả năng cung ứng nguyên liệu cho việc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân, ứng dụng trong mỹ phẩm, thực phẩm,…