• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường

Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường

Với tình trạng bùng nổ dân số như hiện nay – khi mà 66% số người dân toàn cầu sẽ sống tại các đô thị vào năm 2050, các thành phố sẽ ngày càng đối mặt với nhiều thách thức hơn về kinh tế – xã hội và môi trường. Hơn nữa, trong những năm gần đây, việc khai thác quá mức tài nguyên, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa gia tăng, cùng với lối sống hiện đại, sử dụng nhiều năng lượng dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho môi trường và con người. Do đó, sự chuyển dịch hướng về một nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là yêu cầu tất yếu để đạt được sự phát triển bền vững và toàn diện hơn. Phát triển KTTH vừa giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế thông qua kéo dài vòng đời của sản phẩm, giảm thiểu sự lãng phí, hạn chế ô nhiễm môi trường, phục hồi, tái sinh tài nguyên thiên nhiên, vừa giúp giảm lượng khí nhà kính và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Điều này đã giúp cho mô hình KTTH đang giành được sự quan tâm và áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau ở khắp nơi trên thế giới.

Theo Quỹ Ellen MacArthur, KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Về cơ bản, KTTH là một hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh (business models) theo vòng tròn khép kín. Trong đó, khái niệm kết thúc vòng đời (end-of-life) được thay thế bằng việc giảm sử dụng (reduce), sử dụng lại (reuse), tái chế (recycle) và phục hồi vật liệu (recover materials) trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, nền KTTH sẽ áp dụng ở các cấp độ nhỏ (sản xuất, công ty, người tiêu dùng); vừa (khu công nghiệp sinh thái); lớn (thành phố, vùng, quốc gia và xuyên quốc gia). Nền KTTH hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó tạo chất lượng môi trường, kinh tế sung túc, công bằng xã hội. Tất cả cùng mang lại lợi ích cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Ở Việt Nam, một số mô hình kinh tế theo hướng KTTH đã được hình thành từ những năm 1980, như mô hình vườn – ao – chuồng (VAC). Đây là mô hình kinh tế sinh thái nông nghiệp bền vững mà các thành phần trong hệ thống có mối liên hệ mật thiết với nhau. Mặc dù chưa hoàn thiện và áp dụng chủ yếu ở quy mô nhỏ hộ gia đình hoặc hợp tác xã, mô hình này cho thấy hiệu quả kinh tế ban đầu về việc tận dụng tài nguyên và giảm tác động môi trường do tác hại của các chất thải từ chăn nuôi gây ra. Những năm gần đây, nhiều sáng kiến quản trị doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy KTTH ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công – tư đang được đề xuất và từng bước triển khai như mô hình của công ty Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam, chuỗi cung ứng nuôi và sản xuất cá tra của công ty Vĩnh Hoàn, hoặc dự án của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) về Khu công nghiệp sinh thái, đã và đang triển khai tại sáu khu công nghiệp ở các tỉnh Ninh Bình, thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ.

Theo nhóm nghiên cứu, với mục tiêu phát triển bền vững gắn chặt với bảo vệ môi trường, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao nhận thức toàn xã hội về áp dụng KTTH trong cuộc sống, công nghệ số, công nghệ xử lý, tái chế chất thải và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Trong đó, tập trung vào các nhóm lĩnh vực: (1) Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức; (2) Phát triển bền vững dựa trên cơ sở khoa học – công nghệ; và (3) Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

(trích từ nghiên cứu của de Nguyễn và cộng sự đăng tại Tạp chí Cộng sản tại website https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/825313/view_content)

Người viết: TS. Nguyễn Kiều Lan Phương

Call Now