Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân, Ngày 02/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (ATTP).
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về: Thủ tục tự công bố sản phẩm; thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; bảo đảm ATTP biến đổi gen; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu, xuất khẩu; …Trong đó, nổi bật nhất là sự thay đổi phương thức công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm thực phẩm.
Trước đây, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định thực phẩm đã qua chế biến phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Hiện nay, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định: tiêu chuẩn chất lượng của một sản phẩm phải được doanh nghiệp (DN) công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Tức, DN thực hiện việc tự công bố và gửi bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc DN tự chịu trách nhiệm về mọi thông tin chất lượng của sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Việc của cơ quan quản lý Nhà nước là tăng cường hậu kiểm và xử phạt nếu phát hiện DN vi phạm.
Như vậy, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ra đời, bên cạnh một số thuận lợi cho DN là hồ sơ đơn giản, quy trình tiếp nhận và thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng… thì DN cũng gặp không ít khó khăn khi phải tự công bố về chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về những công bố của mình. Điều này đòi hỏi DN phải xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm thật chuẩn xác, đáp ứng đúng các quy định nhà nước về ATVSTP. Trong khi thực trạng hiện nay, phần lớn việc lựa chọn chỉ tiêu chất lượng phụ thuộc vào kinh nghiệm của người xây dựng hồ sơ chất lượng tại DN và mong muốn của người đứng đầu DN. Điều đó có thể dẫn đến việc xây dựng thừa hoặc thiếu chỉ tiêu chất lượng cho một sản phẩm thực phẩm.
Vì vậy, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng phù hợp được xem là bước quan trọng nhất trong quá trình tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định 15. Việc xây dựng phải dựa trên những nguyên tắc quy định tại Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn và những đặc tính riêng của từng sản phẩm.
HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG THỰC PHẨM
Tiêu chuẩn chất lượng (TCCL) được xem là hợp lệ khi phù hợp với quy định và nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Như vậy, doanh nghiệp xây dựng TCCL thực phẩm phụ thuôc vào việc sản phẩm đó đã có quy chuẩn kỹ thuật hay chưa.
A. Nhóm sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật
Đối với các sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật, khi xây dựng TCCL thực phẩm bắt buộc phải đáp ứng theo yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Dưới đây là danh sách các sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật:
- Nước ăn uống, nước sinh hoạt
- QCVN 02:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt
- QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống
- Nước đá dùng liền
- Nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, đồ uống không cồn và đồ uống có cồn
- QCVN 6-3:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn
- QCVN 6-2:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn.
- QCVN 6-1: 2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- QCVN 5-5:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa lên men.
- QCVN 5-4:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm chất béo từ sữa
- QCVN 5-3:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm phomat
- Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ
- QCVN 11-4:2012/BYT Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi
- QCVN 11-3:2012/BYT Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi
- QCVN 11-2:2012/BYT Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y tế đặc biệt cho trẻ đến 12 tháng tuổi
- Các chất được sử dụng để bổ sung vào thực phẩm
- QCVN 3-6:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các chất được sử dụng để bổ sung Iod vào thực phẩm
- QCVN 3-5:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các chất được sử dụng để bổ sung Magnesi vào thực phẩm
- QCVN 3-4:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các chất được sử dụng để bổ sung calci vào thực phẩm
- Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng
- QCVN 9-1:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối Iod
- QCVN 9-2:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng (đối với sản phẩm nước mắm, bột mỳ, dầu ăn, đường bổ sung vi chất)
B. Nhóm sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật
Doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi xây dựng TCCL thực phẩm cho nhóm sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật. Hầu hết các sản phẩm nhập khẩu thuộc nhóm chưa có quy chuẩn kỹ thuật, Đối với nhóm sản phẩm này doanh nghiệp cần phải nắm rõ đặc tính của sản phẩm để tìm đúng tiêu chuẩn cho phù hợp. Một số sản phẩm được tạo nên từ nhiều thành phần thì phải kết hợp nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Trường hợp này doanh nghiệp phải tự xây dựng TCCL thực phẩm dựa trên các quy định sau:
- Tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) đối với từng loại sản phẩm cụ thể.
- Quy định vệ sinh, an toàn của Bộ Y tế:
+ Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT về ban hành Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học & hóa học trong thực phẩm
+ QCVN 8-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn bị ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm
+ QCVN 8-2:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn bị ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm
+ QCVN 8-3:2012/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm
Trong thực tế, quá trình xây dựng TCCL có các trường hợp sau xảy ra:
- Sản phẩm đã có TCVN;
- Sản phẩm chưa có TCVN nhưng đã có Tiêu chuẩn ngành (TCN);
- Sản phẩm chưa có TCVN, TCN nhưng có tiêu chuẩn Quốc tế (TCQT);
- Sản phẩm chưa có TCVN; TCN; TCQT.
Cách giải quyết cho mỗi trường hợp như sau:
1. Trường hợp sản phẩm đã có TCVN
1.1. TCVN có đầy đủ chỉ tiêu về vệ sinh: vi sinh; kim loại nặng; các chất ô nhiễm khác:
DN có thể xây dựng TCCL dựa hoàn toàn trên nội dung TCVN.
Trường hợp DN có ý định sản xuất sản phẩm có một hoặc toàn bộ chỉ tiêu ưu việt hơn so với TCVN hay bổ sung một/ nhiều chỉ tiêu mới so với TCVN thì các mức quy định đối với chỉ tiêu có lợi phải cao hơn hoặc bằng so với TCVN và các mức đối với chỉ tiêu có hại phải thấp hơn hoặc bằng TCVN.
1.2. TCVN chưa có các chỉ tiêu vệ sinh:
Trong trường hợp này phải xây dựng TCCL trên cơ sở kết hợp nội dung của TCVN đó với các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
2. Trường hợp sản phẩm chưa có TCVN nhưng có TCN:
DN phải xây dựng TCCL trên cơ sở kết hợp nội dung trong TCN và Quy định vệ sinh, an toàn của Bộ Y tế.
3. Trường hợp sản phẩm chưa có TCVN, TCN nhưng có TCQT:
Doanh nghiệp được quyền xây dựng TCCL trên cơ sở dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ TCQT, nhưng đến khi sản phẩm có TCVN hoặc TCN thì cần phải khẩn trương thay đổi TCCL dịch chuyển đó nếu nội dung có những điểm trái với TCVN, TCN vừa được xây dựng.
4. Trường hợp sản phẩm không có TCVN, TCN, TCQT:
Doanh nghiệp phải tiến hành xây dựng TCCL cho sản phẩm của mình thông qua các bước sau:
4.1. Xác định các chỉ tiêu cần phải quy định. Phương pháp xác định các chỉ tiêu có thể tham vấm chuyên gia hoặc tham khảo các tiêu chuẩn của các sản phẩm có tính chất tương tự như: quá trình chế biến (nguyên liệu, nhiệt độ…) hoặc phương pháp sử dụng ( trực tiếp, gia nhiệt trước khi ăn…).
4.2. Xác định giới hạn các chỉ tiêu đã xác định. Tiến hành kiểm nghiệm các chỉ tiêu đó trong quá trình sản xuất ban đầu (kéo dài tối thiểu 30 ngày). Lấy giá trị cao nhất của các chỉ tiêu không có lợi và trị số thấp nhất của chỉ tiêu có lợi làm giới hạn ban đầu để xây dựng TCCL.
4.3. Trong quá trình sản xuất, cần tiến hành kiểm nghiệm xác định các chỉ tiêu theo mùa, vụ để xác định trị số cao nhất của các chỉ tiêu không có lợi và trị số thấp nhất của chỉ tiêu có lợi trong cả năm. Phân tích xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi trị số các chỉ tiêu, tiến hành các biện pháp khắc phục(nếu có).
4.4. Xác định trị số các chỉ tiêu có thể đạt được, nếu trị số này khác trị số đã quy định tại điểm 4.2 thì phải xây dựng lại TCCL với các chỉ tiêu có các trị số mới này.
NỘI DUNG CỦA BỘ TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG THỰC PHẨM
Bộ chỉ tiêu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được phân chủ yếu gồm 2 nhóm: chất lượng thương phẩm và nhóm các chỉ tiêu vệ sinh an toàn (là các chỉ tiêu quan trọng nhất của chất lượng thực phẩm).
1. Nhóm chỉ tiêu chất lượng thực phẩm
- Thành phần thực phẩm, giá trị dinh dưỡng
- Giá trị sử dụng, cảm quan…
- Chất lượng bao bì, nội dung ghi nhãn…
- Các yêu cầu về vệ sinh, bảo quản và sử dụng..
2. Nhóm chỉ tiêu vệ sinh an toàn
– Chỉ tiêu vệ sinh an toàn liên quan đến ô nhiễm từ nguyên liệu
- Các mầm bệnh có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm có thể lây nhiễm sang con người như lao bò, bò điên, nhiệt thán…
- Các bệnh về ký sinh trùng như lợn gạo, sán lá…
- Dư lượng hoặc độc tố trong quá trình nuôi trồng:
+ Dư lượng hooc môn
+ Dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật hoặc bảo quản
+ Độc tố tự nhiên (như cyanua trong sắn, histamin trong thuỷ sản, độc tố PSP, DSP, NSP, ASP trong nhuyễn thể…)
– Các chỉ tiêu vệ sinh an toàn liên quan đến quá trình chế biến, bảo quản, môi trường.
- Phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến
- Các chất nhiễm bẩn:
+ Hoá học: Kim loại nặng, PCBs, Chất bảo quản rau quả tươi…
+ Sinh học: vi sinh vật, virut, ký sinh trùng gây bệnh, độc tố vi nấm; các vấn đề về GMO…
+ Vật lý: nhiễm bẩn cơ học , chiếu xạ…
Việc tuân thủ chính xác các quy định trên sẽ giúp DN tránh xây dựng thừa chỉ tiêu không cần thiết gây tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp. Ngược lại, việc xây dựng thiếu chỉ tiêu chất lượng cần thiết có thể khiến DN bị xử phạt với mức phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng, theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
(Nguồn: Tổng hợp)
Tác giả: TS. Vũ Thị Kim Ngọc