Cây Hương thảo du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2007, được trồng nhiều tại các tỉnh Miền Trung và Miền Nam. Tinh dầu Hương thảo có các đặc tính chống oxi hóa, kháng khuẩn, kháng nấm; có khả năng: kích thích mọc tóc, tăng hoạt động trí óc, giảm đau và khắc phục các vấn đề về hô hấp.
Hình 1. Cây hương thảo.
Tinh dầu Hương thảo có thể được chiết xuất bằng các phương pháp: chưng cất trực tiếp trong nước, chưng cất lôi cuốn hơi nước, chưng cất trực tiếp có sự hỗ trợ của vi sóng hoặc sóng siêu âm, chiết bằng dung môi hữu cơ hoặc CO2 siêu tới hạn.
Nhóm nghiên cứu thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, Khoa Kỹ thuật thực phẩm và Môi trường thuộc Đại học Nguyễn Tất Thành đã thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chưng cất tinh dầu hương thảo bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước. Hiệu suất tinh dầu thu được là 3,04% với các điều kiện: 300 g nhập liệu Hương thảo khô xay (0,1-0,3cm), nhiệt độ nồi đun 195 °C trong 70 phút (cho tốc độ bay hơi 0,045 mL/s). Kết quả phân tích bằng GC-MS cho thấy các thành phần chính có trong tinh dầu: α-pinene 23,630%, 1,8-cineole 15,349%, borneol 5,563% và geraniol 5,517%.
Hình 2. Hệ thống chưng cất lôi cuốn hơi nước.
Tinh dầu Hương thảo thu được từ phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước được so sánh với các phương pháp chưng cất trực tiếp trong nước và chưng cất có sự hỗ trợ của vi sóng. Ba phương pháp có sự khác biệt về hiệu suất tinh dầu thu được, lần lượt là 3,04% (chưng cất lôi cuốn hơi nước), 4,8% (chưng cất trực tiếp) và 2,7% (chưng cất có sự hỗ trợ của vi sóng). Chưng cất lôi cuốn hơi nước cho hiệu suất thấp hơn phương pháp trực tiếp nhưng lại cao hơn so với phương pháp có sự hỗ trợ của vi sóng. Điều này là do chưng cất trực tiếp trong nước thì nguyên liệu ngập hoàn toàn trong nước nên khả năng hơi nước thẩm thấu qua các lớp biểu bì chứa tinh dầu lớn hơn. Chưng cất có sự hỗ trợ của vi sóng có thể gia nhiệt nhanh, tiết kiệm được thời gian nhưng hiệu suất trích li kém. Điều này có thể là do khi chiếu vi sóng ở công suất lớn thì vận tốc hóa hơi lớn nên một phần hơi có lẫn tinh dầu bị thất thoát ra ngoài.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng các phương pháp chưng cất khác nhau sẽ cho tinh dầu có hàm lượng và chất lượng khác nhau. Trong nghiên cuả nhóm, các phương pháp chưng cất có hỗ trợ lò vi sóng, chưng cất trực tiếp và chưng cất lôi cuốn hơi nước tạo ra tinh dầu có hàm lượng các thành phần chính khác nhau như α-Pinene lần lượt là 22,277%, 23,630%, 19,790%; 1,8-cineole là 16,256%, 15,349%, 13,797%; geraniol là 5,705%, 5,517%, 4,442%.
Hình 3. So sánh các thành phần hóa học trong 3 phương pháp chưng cất.
Tác giả: Nguyễn Đình Phúc