Trong một xã hội ngày càng phát triển và hiện đại, nhu cầu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, một ngành học đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về khoa học và kỹ thuật để có thể sản xuất ra những sản phẩm an toàn và dinh dưỡng cho cộng đồng. Trong bối cảnh đó, việc đào tạo các môn học thực hành đối với ngành Công nghệ thực phẩm tại Viện Ứng dụng và Phát triển bền vững – Đại học Nguyễn Tất Thành đóng một vai trò không thể thiếu trong việc đào tạo các kỹ sư công nghệ thực phẩm, giúp sinh viên không chỉ trang bị kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, từ đó nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.
Các môn học thực hành về kiến thức cơ sở ngành như hóa đại cương, hóa hữu cơ, và quá trình thiết bị tạo điều kiện cho sinh viên được trực tiếp quan sát các phản ứng, phát triển kỹ năng phòng thí nghiệm cơ bản, hiểu rõ nền tảng về kiến thức an toàn phòng thí nghiệm; bên cạnh đó là sự hiểu biết về cách thức các hợp chất hữu cơ tác động lên nhau và lên các thành phần khác trong thực phẩm, ngoài ra các kiến thức về liên quan đến nhiệt động học và động hóa học trong hóa lý cũng được áp dụng vào các hệ thống thiết bị trong quá trình chế biến. Thêm vào đó môn học thực hành phân tích thực phẩm là một môn học trọng tâm, giúp sinh viên phát triển kỹ năng phân tích thành phần hóa học của thực phẩm, kiểm tra an toàn và chất lượng sản phẩm.
Sinh viên quan sát hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm
Bên cạnh đó, các môn học thực hành chuyên ngành tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm trực tiếp quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng. Qua đó, sinh viên có thể hiểu rõ hơn về các quy trình kỹ thuật, vận dụng các kiến thức về hóa học, vi sinh, chế biến thực phẩm trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các hoạt động thực hành giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với một kỹ sư công nghệ thực phẩm.
Ngoài ra, môn học thực hành cũng là cầu nối giúp sinh viên kết nối kiến thức lý thuyết với thực tiễn ứng dụng. Trong các buổi thực hành, sinh viên được làm việc trực tiếp trên các thiết bị, máy móc, qua đó học hỏi được những kỹ thuật mới và cập nhật công nghệ tiên tiến. Điều này không chỉ giúp sinh viên tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề, phản ứng linh hoạt với các tình huống thực tế mà còn tạo điều kiện cho họ phát triển khả năng sáng tạo và đổi mới trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Thêm vào đó, môn học thực hành còn góp phần rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên. Quá trình thực hành thường đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong nhóm để đạt được kết quả tốt nhất. Điều này giúp sinh viên cải thiện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo và khả năng làm việc dưới áp lực, những yếu tố vô cùng quan trọng để thành công trong môi trường công nghiệp hiện nay.
Sinh viên thao tác trong tủ hút
Cuối cùng, các môn học thực hành còn tạo điều kiện cho sinh viên làm việc tốt hơn trong môi trường doanh nghiệp, trong quá trình thực tập và làm việc sau này. Điều này không những giúp sinh viên mở rộng kiến thức mà còn có cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Viện Ứng dụng và Phát triển bền vững đã tạo điều kiện để sinh viên tham gia vào các dự án thực tế, thực tập tại các công ty thực phẩm, từ đó giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho công việc trong tương lai.
Như vậy, các môn học thực hành trong chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thực phẩm đóng một vai trò thiết yếu, không chỉ giúp củng cố và mở rộng kiến thức lý thuyết mà còn phát triển kỹ năng nghề nghiệp, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khắt khe của ngành công nghiệp thực phẩm hiện đại.
Tác giả: Nguyễn Hồng Khôi Nguyên