LIPOSOME CÔNG NGHỆ ĐỘT PHÁ TRONG MỸ PHẨM VÀ THỰC PHẨM

Liposome là gì ?

Liposome là một quả cầu phospholipid hai lớp chứa đầy chất lỏng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những quả cầu này có thể chứa nhiều chất dinh dưỡng và được sử dụng để bảo vệ cũng như vận chuyển những chất này khắp cơ thể và thậm chí đến các tế bào trong cơ thể.

Công nghệ Liposome là cách để tạo ra các phân tử có kích thước siêu vi với lớp màng giống với màng tế bào, do đó được cơ thể tiếp nhận dễ dàng.

Có thể nói Liposome giống như một bình chứa giúp bảo vệ vitamin và các chất dinh dưỡng đi qua hệ tiêu hóa một cách nguyên vẹn mà không bị ảnh hưởng bởi môi trường axit trong dạ dày và tác động chuyển hóa của gan. Liposome sẽ chỉ giải phóng dưỡng chất khi nó đến được các mô hoặc bộ phận thích hợp.

Liposome được phát minh vào năm 1965 bởi nhà khoa học người Anh tên là Alec Douglas Bangham. Ban đầu, nó có cấu trúc khá đơn giản và còn nhiều khuyết điểm. Trải qua nhiều năm, công nghệ Liposome ngày càng hoàn thiện và hiện nay, nó được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như mỹ phẩm, dược mỹ phẩm và dược phẩm.

Cấu trúc của Liposome

Liposome được hình thành từ phospholipid với cấu trúc lưỡng tính bao gồm đầu ưa nước và đuôi kị nước. Khi phospholipid ở trong dung dịch nước, các đầu kỵ nước quay mặt vào nhau để tránh nước và tạo thành lớp kép phospholipid. Trong khi các đầu ưa nước hình thành liên kết hydro với các phân tử nước.

Lớp lipid kép tạo thành hình cầu kín (liposome) để loại trừ hoàn toàn nước khỏi đuôi kỵ nước.

Cấu trúc phospholipid đặc biệt của một Liposome

Những đột phá của công nghệ Liposome

Công nghệ Liposome có những đột phá như:

  • Phân giải hiệu quả các khoáng chất khó tan như sắt, magie, kẽm,…
  • Tăng khả năng hấp thụ của màng tế bào với các hoạt chất, chất dinh dưỡng.
  • Giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc điều trị với cơ thể.
  • Cung cấp phospholipid cho cơ thể bảo vệ màng tế bào.
  • Đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của các thành phần hoạt tính.
  • Giảm độc tố và các tác dụng phụ khác.
  • Khả năng tương hợp sinh học và đồng hóa cao.

Ứng dụng của Liposome trong ngành mỹ phẩm và thực phẩm

Trong ngành mỹ phẩm: mỹ phẩm được sản xuất và ứng dụng bằng công nghệ liposome, chứa các phân tử siêu nhỏ dễ dàng hấp thụ vào da thông qua chất tiếp dẫn phospholipid. Chất tiếp dẫn này giúp dưỡng chất thấm sâu vào lớp hạ bì, cấu trúc của da.

Từ đó, các dưỡng chất tìm đến các tế bào da bị tổn thương để tăng nồng độ hoạt chất tại các điểm tác động lên mức cao nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho da. Vì vậy, công nghệ liposome giúp làm đẹp da hiệu quả và an toàn hơn hẳn so với các cách sử dụng công nghệ truyền thống.

Trong ngành thực phẩm: Các ứng dụng chính của liposome trong lĩnh vực thực phẩm tập trung vào việc bao bọc các thành phần hoặc phụ gia thực phẩm, làm tăng khả dụng sinh học của các thành phần dinh dưỡng, kiểm soát việc giải phóng hương vị và kéo dài thời hạn sử dụng.

Hiện nay công nghệ liposome chủ yếu được ứng dụng rất nhiều trong ngành mỹ phẩm nhưng ít trong thực phẩm tại Việt Nam. Cần có nhiều nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm từ Liposome để áp dụng trong ngành công nghệ thực phẩm để phát triển đa dạng hóa sản phẩm nâng cao chất lượng dinh dưỡng hơn khi áp dụng công nghệ tiên tiến này.

(Tham khảo Liposome Technology Edited By Gregoriadis Gregory)

ThS. Nguyễn Mạnh Ngọc Bảo

Call Now